Danh mục
Việt Nam

Busan – mười hai giờ vòng quanh thành phố.

Tranh thủ trước khi nối chuyến bay đi Jeju, mình có quãng thời gian dài khá rảnh. Quyết định làm một vòng city tour giải ngố. Chọn một vài địa điểm cho lịch trình mười hai tiếng vòng quanh Busan. Cuối cùng, chỉ đạt hai phần ba kế hoạch đề ra vì mưa to quá. Mưa nguyên ngày. Từ bảy giờ sáng cho đến lúc mình quay lại sân bay Gimhae làm thủ tục bay đến Jeju.

Ga tàu điện sân bay Gimhae Busan, trong lúc ngồi đợi tàu, bắt đầu chuyến khám phá Busan mười hai giờ đồng hồ.

Busan là thành phố biển phát triển chỉ sau Seoul. Hạ tầng giao thông với các line tàu điện như Seoul nhưng ít line hơn chút, phố xá, nhà cửa cũng vậy. Busan thoáng đãng, trong lành. Di chuyển ra những khu bờ biển chạy dọc, những khối nhà cao tầng hiện đại, sẽ cảm nhận thấy một Busan năng động trẻ trung, nhộn nhịp. Đó là lý do thành phố biển Busan thu hút khách du lịch đến vậy.

Haeundae,  một trong những bãi biển đẹp nhất Busan.

Di chuyển đến Haeundae bằng tàu điện.

Từ sân bay Gimhae, bắt một chuyến tàu về gần trung tâm Busan. Đổi line đến trạm Haeundae, đi bộ vài trăm mét là tới được bãi biển Haeundae.

Khung cảnh bãi Haeundae vào dịp hè, náo nhiệt đầy sắc màu. Những chiếc ô sọc trắng xen lẫn đỏ cắm dọc bờ biển, những hàng ghế xanh dương trải dài. Hàng vạn người hòa cùng nắng cùng gió, cùng sóng biển. Những tòa nhà, khách sạn cao tầng sang trọng mới xây công suất phòng luôn kín vì lượng khách du lịch đổ về. Và  tưởng tượng bạn đang tận hưởng kỳ nghỉ dịp hè ở Busan với khung cảnh đó? Chẳng phải thi vị, chanh sả lắm đó sao?

Rủi cho mình, hôm đó Busan mưa. Viễn cảnh mình vẽ vời về Haeundae, về Busan sụp đổ. Dù mưa, mình và con bé vẫn mặc áo mưa, lặn lội ra tận bãi biển, rửa chân ngắm cảnh. Sóng to, dồn dập xô bờ, biển đục ngầu, tảo và rong lập lờ trôi tửng mảng. Trời nhiều mây, lạnh buốt, vẫn có những gia đình cho trẻ con nghịch cát hoặc bơi tắm. Trên bờ, vài chàng trai trẻ  đến từ đội cứu hộ, trầm tư trên chiếc ghế cao, lặng lẽ quan sát du khách dạo chơi dọc bờ biển. Dường như chẳng ai mảy may nghĩ đến việc Haeundae đang mưa. Chắc chỉ có mình, tiếc ngẩn ngơ, khi đến đây vào thời tiết ương dở này.

Chợ ẩm thực Haeundae.

Ngắm chẳng được, tắm chẳng xong, bèn rủ con bé lộn về khu chợ ẩm thực Haeundae gần đó.

Khách du lịch qua lại như không cảm nhận trời đang mưa, chủ yếu là thấy tiếng Trung Quốc. Tần ngần bên một góc quán nhỏ, đông khách nói tiếng Hàn đang xì xụp bên những tô cháo nóng hổi nghi ngút bốc hơi, hai mẹ con rẽ vào. Gọi hai tô cháo lúc trời mưa rét đúng là ngon hơn bất cứ thứ gì trên đời.

Khu ẩm thực là dãy phố nhiều nhà hàng, hay các quán ven đường chuyên bán đồ ăn vặt. Hải sản nhiều, cua huỳnh đế, tôm, cá, bào ngư … Du khách có thể chọn đồ hải sản, cân rồi nhờ chế biến theo yêu cầu. Hai mẹ con vừa ăn tô cháo no, nên chỉ đứng ngó nghiêng mọi người mua hải sản, lộn đi lộn lại con phố vài vòng, rồi quay lại ga tàu điện, di chuyển đến Seomyon.

Khu phố Seomyon, nhộn nhịp từ dưới hầm cho đến mặt đất.

Seomyon được nhắc đến là nơi ăn uống, vui chơi, mua sắm dành cho khách du lịch, rất gần Busan City hall. Ngay khi vừa bước khỏi khoang tàu điện, hàng trăm gian hàng ở các ngả, trên khắp các lối đi của hầm, bày bán đủ các loại mặt hàng; quần áo, giày dép, túi xách, mỹ phẩm, đồ ăn, phụ kiện điện thoại…

Những mặt hàng giá rẻ, phục vụ đại đa số nhu cầu người qua lại. Giá rẻ hơn nhiều so với hàng ở các trung tâm thương mại, hay các khu bán hàng trung tâm. Quan sát nhanh thấy rằng, các cửa hàng luôn đông đúc với lượng khách ra vào thường xuyên. Bởi lưu lượng người qua lại đi tàu điện ngầm từ sáng tới khuya đông khủng khiếp. Chiến lược kinh doanh ở những tụ điểm này hoàn toàn hợp lý.

Ngoi lên mặt đất, rẽ vào khu ẩm thực Seomyon khi trời mưa đỡ nặng hạt hơn. Mình muốn tìm một quán cafe đẹp, sát góc phố, nhâm nhi tách cafe cho ấm bụng rồi tính tiếp. Nói nhỏ là Busan hay Seoul nhiều quán cafe Starbuck vô kể. Hay những quán cafe thương hiệu riêng ở các khu phố du lịch san sát nhau. Du khách có thể dừng chân ghé vào nghỉ bất kỳ lúc nào. Nhưng Ngân thì không muốn dừng chân uống cafe. Rồi chiều con bé, tiếp tục rẽ vào một quán ăn. Dành toàn bộ chi phí dự định vui chơi trong 12 tiếng ở Busan, thưởng thức các món ăn. Quyết tâm city tour ẩm thực đến khi không thể.

Ẩm thực Busan – món ngon phải thử.

Canh thịt lợn( Dwaeji Gukbap).

Món canh thịt lợn (Dwaeji Gukbap) là món canh truyền thống yêu thống được yêu thích nhất Busan.

Xương heo luộc kỹ, hầm thành nước dùng, có thể thêm  chút gạo nấu cháo loãng, thịt heo và dạ dầy hấp chín trong những xửng lớn, bỏ ra thái nhỏ, múc nước dùng kèm chút cháo ra tô, thêm topping thịt heo và lòng, rắc hành boaro lên trên là được thành phẩm như ý. Món canh ăn cùng bancha (các đồ ăn phụ đựng trong các đĩa nhỏ) như hành, ớt, tỏi, tép ướp muối, sốt chogochujang, củ cải và lá hẹ muối…

Canh thịt lợn (Dwaeji Gukbap), món ăn truyền thống nổi tiếng của Busan ở phố ẩm thực gần bãi biển Haeundae, Busan, Hàn Quốc. Trong lịch trình khám phá Busan mười hai giờ đồng hồ

Mỳ lạnh Milmyyeon.

Đến Busan phải ăn mỳ lạnh Milmyeon.

Khu phố Seomyeon ở Busan nhiều vô kể, quán nào cũng thấy có bán mỳ lạnh. Cứ quán đông ta chọn, rẽ vào, ngồi nghiêm chỉnh ngay ngắn rồi chọn một bát mỳ lạnh, một đĩa mandu(bánh xếp) hấp để thưởng thức hương vị ẩm thực Busan. Mỳ lạnh(Milmyeon) là món ăn được người dân Busan yêu thích bởi nó khác biệt với các loại mỳ khác, nguyên liệu và cách thức chế biến  đều mới mẻ.

Những sợi mỳ  được làm từ bột lúa mạch hoặc khoai lang, sau khi luộc chín, xoắn lại, để nguội, cho vào tủ lạnh. Khi thưởng thức sẽ ăn kèm rau trộn và một số gia vị khác. Nước sốt của mỳ Milmyeon được hầm từ xương, làm lạnh đến mức còn hơi đóng băng. Mỳ lấy từ tủ lạnh, bày biện vào bát sắt, trang trí với củ cải, dưa chuột, cà rốt thái sợi, sốt chua cay ngọt Chogochujang, thêm thịt lợn thái mỏng, trứng luộc rồi dưới nước dùng vào là có thể thưởng thức.

Mỳ lạnh ở khu phố Seomyon, Busan, trong chuyến city tour vòng quanh Busan mười hai giờ đồng hồ

Mỳ có vị ngọt thanh, ngon, mát lạnh, không ngấy.  Dù có trứng luộc ăn kèm, nhưng không có cảm giác tanh. 8000krw cho bát mỳ lạnh. Giá đồ ăn ở Busan cũng như giá ở Seoul.

Mandu hấp mình nhớ đã từng ăn, nó gần giống sủi cảo, nhân chủ yếu là nhân rau. Mandu có thể hấp hoặc chiên. Mình chọn hấp ăn cho thanh, món ăn không hút như mỳ lạnh. Mỳ lạnh đặc trưng cho ẩm thực Busan hơn. Mandu ở đâu cũng có.

Seomyon một vòng chụp ảnh.

Rẽ vào quán cafe nhỏ, gọi thêm một cốc Latte ấm nóng, một đĩa kem đậu đỏ to bự chảng. Kết thúc tour ẩm thực vòng quanh Busan, chẳng biết đi đâu, làm gì về đâu. Đành bắt tàu điện quay lại sân bay, nghỉ ngơi vài tiếng trước khi bay đến Jeju.

Tour du lịch vòng quanh Busan 12 tiếng rút ngắn xuống còn 9 tiếng, city tour thành ẩm thực tour. Còn khá nhiều thứ hay ho về Busan chưa có cơ hội trải nghiệm. Sẽ dành cơ hội thăm Busan một dịp khác. Hứa sẽ ăn sập Busan, chơi sập Busan để có thêm nhiều điều mới để kể với mọi người.

Link các bài viết liên quan : Hàn Quốc du hý

Tất tần tật về Jeju

 

 



0 0 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments