Bali nồng nhiệt đón chúng tôi sau hai chặng bay dài hơn 3 giờ đồng hồ, cộng thêm 6 tiếng trasit nối chuyến ở Malay. Về khách sạn nhận phòng khi đồng hồ gần điểm sang ngày mới. The Radiant Resort & Spa vừa vặn xinh xắn, nấp mình sau những ngõ nhỏ.
Nơi tôi có thể vừa nằm trên giường, vừa nghe được tiếng máy bay cất cánh trên bầu trời Kuta. Khách sạn không mới, nhưng phối cảnh kiến trúc khá ổn. Bể bơi, cây cối, chim muông đủ cả. Thuận tiện gần sân bay, với giá cả không thể ngọt ngào hơn. Một triệu ba trăm nghìn đồng 2 phòng cho 4 khách đã bao gồm ăn sáng, đưa đón sân bay free. Đó là sự lựa chọn phù hợp nhất cho đêm đầu và đêm cuối ở Bali.
Nhờ sự hướng dẫn tận tình của bạn bè quen biết, những người bạn không quen trên diễn đàn du lịch bụi, tôi đã kết nối với được với Noyman. Anh tài xế tận tình, tốt bụng. Đồng hành cùng chúng tôi trong suốt những ngày rong ruổi lên rừng xuống biển ở Bali. 750.000 Rp/ ngày/ 10h đồng hồ (ước chừng 1tr200 VND).
Ubud, linh hồn của Bali.
Tôi từng nuôi cho mình ước mơ đến Bali từ 10 năm trước. Bali lúc ấy trong tôi, chắc chắn là thiên đường của biển, của nắng vàng biển xanh, của những ngày hè lộng gió. Nhưng càng tìm hiểu chuẩn bị kỹ càng cho chuyến đi, tôi càng vỡ ra nhiều điều lý thú. Linh hồn của Bali nằm ở Ubud, vùng núi cao chứa đựng bao điều bí ẩn linh thiêng của văn hoá Hindu.
Besakih, đền mẹ của các ngôi đền.
Ubud cách sân bay quốc tế chừng 40km. Từ Ubud, chạy xe vài chục km, chúng tôi ghé đền Besakih – đền Mẹ. Ngôi đền lớn nhất ở Bali, nơi những ngôi đền khác đều hướng về. Những cơn mưa hè rả rích chưa có dấu hiệu dừng. Từng ô cỏ xanh mượt như nhung đón chào khách quý. Những bậc thang cũ kỹ lẫn màu rêu như vút lên trời cao, đưa chúng tôi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Từng lớp cọ phủ màu cũ kĩ qua thời gian lợp trên những mái đền, lẩn khuất những rặng dương xỉ ký sinh. Besakih khoác lên mình vẻ kỳ bí, cổ kính từ ngàn đời.
Ở Bali, tất cả du khách khi đến thăm các di tích đền thờ đều phải mua vé. Giá vé tăng dần theo từng năm. Giá vé vào đền Besakih năm đó là 60.000Rp (khoảng hơn 100k cho một du khách, giá vé trẻ em giảm một nửa). Vào thăm quan đền Besakih sẽ có hướng dẫn viên địa phương đi cùng giới thiệu.
Điều đặc biệt là du khách nước ngoài ghé thăm Besakih đều phải quấn Sarong (phát miễn phí ở cửa đền) và không được vào bên trong đền chính lễ. Chỉ có hơn một tiếng để ghé thăm đền Besakih. Thời tiết mưa lạnh, quấn trên người chiếc Sarong rực rỡ đủ sắc màu, tay cầm ô lang thang trên những con đường đá cũ phủ đầy rêu xanh. Tôi đồ rằng, sẽ chẳng có dấu ấn nào ấn tượng hơn thế trong suốt hành trình của tôi ở Bali.
Núi lửa, ruộng bậc thang dấu ấn của Ubud.
Rời Besakih, chạy thêm 24km, chúng tôi ghé Kintamani, chọn một nhà hàng trên núi với view khá đẹp. Điềm tĩnh ăn trưa và ngắm núi lửa Batur, mây phủ lưng chừng. Hầu như du khách sau khi ghé đền Mẹ, theo cung đường đều chạy đến đây để ngắm núi lửa.Kết thúc bữa trưa cũng gần 3h chiều, mọi người tất tả giục giã nhau chạy về Ubud cho kịp giờ tối. Trên đường về, ghé qua ruộng bậc thang Tegalalang chụp vài tấm ảnh kỷ niệm.
Ruộng bậc thang ở đây chẳng thể so sánh với ruộng bậc thang của núi rừng Tây Bắc Việt Nam. Nhờ làm du lịch tốt, vẫn có rất đông khách du lịch ghé thăm. Vừa ngồi ngắm những bậc thang xanh rì, đan xen những rặng dừa cao vút. Vừa nhâm nhi coffee hoặc beer, mọi thứ trở nên chậm rãi, thư thái lạ kỳ.
Ubud tầm tháng 8 là vào mùa cao điểm, tình trạng tắc đường xảy ra thường xuyên. Mất gần 2h đồng hồ, chúng tôi mới di chuyển được gần 20 km để về được chỗ nghỉ. Yoga Ubud Villa là một biệt thự nhỏ xinh, nằm ngay sát những cánh đồng lúa đang đương thì xanh mướt. Biệt thự nhỏ gồm 2 phòng, 1 bể bơi kèm 1 sảnh sinh hoạt chung, hoa đại rải đầy ngõ khi chúng tôi bước vào. Cảm giác thân thiện bình yên như trở về nhà sau 1 ngày dài di chuyển.
“Ulun Danu – nơi bắt đầu của hồ”, ngôi đền soi bóng bên hồ Bratan.
Ngày hôm sau, sau bữa sáng được bày biện đẹp mắt ngay trong sảnh sát bể bơi, chúng tôi trả phòng. Tiếp tục di chuyển đến thăm một ngôi đền khác. Đền Ulun Danu nằm soi bóng bên Hồ Bratan, sau lưng là khung cảnh tráng lệ của một trong những đỉnh núi cao nhất Bali.
Là cánh cửa kỳ thú giúp du khách tìm hiểu về lịch sử, văn hóa và tâm linh của người Bali, ngôi đền lộng lẫy này và khung cảnh thơ mộng xung quanh là giấc mơ của nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Ulun Danu có nghĩa là “nơi bắt đầu của hồ”. Theo đạo Hindu, đây là một ngôi đền cai quản, có nghĩa là ngôi đền giúp bảo vệ Bali khỏi những linh hồn của quỷ dữ.
Tanah Lot, ngôi đền trên biển.
Điểm thăm quan cuối cùng mà chúng tôi lựa chọn trong hành trình khám phá Bali là Tanah Lot. Ngôi đền nằm cách thành phố Tabanan 13km về phía Tây Nam. Là một trong những ngôi đền chính trong chuỗi các ngôi đền thờ phụng các vị thần Bali. Nhờ vẻ đẹp độc đáo và sự linh thiêng mà ngôi đền Tanah Lot đã thu hút một lượng lớn khách du lịch viếng thăm mỗi năm.
Thông thường, khách du lịch thường ghé thăm Tanah Lot vào lúc chiều. Khi thuỷ triều đã rút, mọi người có thể tiến sát đến gần đền để thăm quan và chiêm ngưỡng. Nếu ghé thăm Tanah Lot lúc sáng sớm, sẽ chỉ ngắm được đền từ xa bởi nước biển bao quanh đường ra đền. Ngắm hoàng hôn ở đền Tanah Lot cũng được coi là điểm thú vị đáng nhớ trong lịch trình. Tuy nhiên chúng tôi không kịp làm điều đó. Phần vì sợ tắc đường, phần vì bọn trẻ nôn nóng muốn về Nusa Dua nghỉ ngơi, tắm biển nên chúng tôi rời đền Tanah Lot tầm gần 5h chiều.
Nusa Dua, thiên đường biển nghỉ dưỡng ở Bali.
Nói về biển ở Bali, sẽ chẳng có biển xanh ngằn ngặt hay cát trắng phau. Bali có nhiều bãi biển, mỗi bãi đều có đặc điểm riêng. Kuta trung tâm, cát đen, sóng lớn, rất phù hợp cho hoạt động lướt sóng. Dân du lịch ở Bali đa phần là khách Âu. Ăn vận phóng khoáng. Hành trang kèm theo thường là những chiếc ván trượt bên mình. Nhạc sập sình, uốn lượn theo những con sóng. Quá đủ cho một kỳ nghỉ rồi.
Sanur, Jimbaran, hay Nusa Dua cũng là những bãi biển khá gần trung tâm Kuta thu hút khách du lịch. Sanur và Jimbaran bình dân, sôi động. Nusa Dua hợp với kỳ nghỉ dưỡng, honeymoon vì tập trung nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp. Giá resort ở Nusa Dua không phải là quá cao so với dịch vụ ở đây. Thời gian còn lại trong hành trình trên đảo Bali, việc của chúng tôi chỉ là bơi lội, tắm táp, ngắm biển cả mênh mông. Vậy mà vẫn thấy vội thấy thiếu.
Biển Nusa Dua cát vàng, sóng to nhưng không dữ. Những con sóng lớn trắng phau, cuộn theo làn nước xanh ngọc bích, liên tiếp dồn dập xô bờ, khiến lũ trẻ liên miệng hét lên sung sướng. Nusa Dua có điểm đặc riêng mà không nhiều nơi có. Khi thuỷ triều xuống, cả một bãi san hô kèm rong tảo hiện lên trước mắt chúng tôi. Biển trở nên xa dần bờ, hình thành những vũng tắm nhỏ, trong vắt, lũ trẻ tha hồ tung tăng không sợ sóng cuốn xa bờ.
Thức giấc ở Bali.
6 ngày của hành trình “thức giấc ở Bali” nhanh như cái chớp mắt. Còn quá nhiều địa điểm chúng tôi chưa kịp ghé thăm. Những luyến tiếc, nhớ nhung về một vùng đất mới khiến chúng tôi trở nên bịn rịn. Nhưng đó là điều đúng đắn. Nó khiến chúng tôi phải nói lời chào tạm biệt và hy vọng một ngày sớm nhất có thể quay trở lại nơi đây.
Việc di chuyển và ghé thăm Bali đã trở nên đơn giản và dễ dàng hơn rất nhiều. Chi phí một gia đình 3 người cho 6 ngày rong chơi chỉ nhỉnh hơn cho một chuyến đi Phú Quốc bay hãng hàng không Vietnam airlines và ở resort Vinpearl chút thôi. “Thức giấc ở Bali”, không chỉ có “ăn, cầu nguyện và yêu”. Chúng tôi đã có những trải nghiệm tuyệt vời cho một hành trình ngắn ngủi. Và bạn, nếu có mơ ước, đừng gần ngại một lần “tỉnh giấc ở Bali”. Mọi thứ đều có thể, nếu chúng ta biết mơ ước.